Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Cô học trò nghèo được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen

Mẹ mất sớm, gia cảnh khốn khó, nhưng em Trần Thị Ngát, học sinh lớp 12C8, Trường THPT A Hải Hậu, huyện Hải Hậu (Nam Định), 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện. Mới đây em còn vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Cô học trò Trần Thị Ngát sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tuổi thơ của em trải qua nhiều vất vả, thiệt thòi. Năm lên 12 tuổi, mẹ em mất, bố một mình vừa lo tiền trả nợ sau những lần chạy chữa cho mẹ, vừa lo cho ba con ăn học.

Ngát là con thứ hai trong gia đình, chị gái Ngát đang theo học Trường ĐH Kinh tế Thái Nguyên và một em nhỏ đang học lớp 3. Từ lúc mẹ mất, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng bấp bênh hơn. Hàng ngày, Ngát đạp xe hơn 8 km đến trường, sau mỗi buổi đi học về, em phụ giúp bố làm những công việc vặt trong nhà, rồi cơm nước, đón em đi học về, thời gian còn lại Ngát mới tranh thủ học bài.
Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, nhiều lúc không có tiền đóng học, thương bố một mình đi làm thuê khắp nơi nuôi ba chị em ăn học, Ngát đã định bỏ học đi làm thuê giúp bố trang trải nợ nần. Nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của bố và các thầy cô giáo cùng nỗ lực của bản thân, Ngát đã gặt hái được những thành tích ấn tượng trong học tập. Suốt 12 năm học, Ngát luôn là một học sinh giỏi toàn diện của trường, được thầy cô, bạn bè xem là một tấm gương sáng trong học tập và các hoạt động của Đoàn trường.
Tháng 12/2013, Ngát được nhà trường chọn làm gương mặt tiêu biểu đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 8, để báo cáo điển hình về học sinh “nghèo vượt khó vươn lên”. Cũng tại Đại hội này, em đã vinh dự nhận được bằng khen “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
Ngát tâm sự: “Dù hoàn cảnh nhà em khó khăn, nhưng bố em và các thầy cô trong trường luôn động viên và quan tâm, tạo điều kiện cho em rất nhiều trong học tập. Bố em còn bảo hạnh phúc lớn nhất của bố là thấy em học thật giỏi. Chính vì vậy mà em luôn nỗ lực và phấn đấu hết mình trong học tập và hoạt động của trường…”.
Nói về cô học trò nghèo đầy nghị lực của mình, thầy Nguyễn Trung Hiếu - giáo viên chủ nhiệm em Ngát chia sẻ: “Ngát không chỉ học giỏi, mà còn tham gia rất tích cực trong các hoạt động Đoàn đội. Là một tấm gương sáng cho các học sinh trong trường noi theo...
Hiện này Ngát đang là lớp trưởng - bí thư lớp 12C8, là lớp chọn chuyên khối D của Trường THPT A Hải Hậu. Trong các môn học thì em học tốt nhất là môn Tiếng Anh, ngoài ra các môn khác em đều học giỏi. Điều đó được chứng minh bằng những tập giấy khen của em từ lúc bắt đầu đi học dán kín cả căn nhà của bố con đang ở.
Để đạt được những thành tích học tập cao như vậy, cô học trò nghèo luôn có mục đích rõ ràng, trên lớp chỗ nào không hiểu bài là em nhờ thầy cô giảng lại ngay, không nên học lệch, học tủ. Đồng thời em cũng mượn thêm sách vở bạn bè và thư viện trường để đọc, tìm hiểu thêm.
Thầy Lê Văn Trường - phó hiệu trưởng Trường THPT A Hải Hậu cho biết: “Ngát là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường, dù gia đình nghèo khó vất vả, nhưng em luôn là một tấm gương sáng trong học tập và các hoạt động của trường. Có thể nói em là một tấm gương điển hình của trường về nghèo khó học giỏi…”.
Chia sẻ ước mơ sau này của mình, Ngát tâm sự: “Hiện tại em đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn về kỳ thi Đại học thì em đã đăng ký vào Khoa Kế toán Trường ĐH Hà Nội, ước mơ sau này của em sẽ là làm một doanh nhân thật thành đạt để có thể giúp bố trả nợ và lo cho em trai ăn học…”.
Ước mơ của cô học trò nghèo có có thành hiện thực không khi kinh tế gia đình đều dựa vào một mình bố em lo liệu cùng với khoản nợ hơn 80 triệu đồng, mỗi tháng gánh hơn 600 nghìn tiền lãi, còn phải chu cấp cho 3 đứa con ăn học và các khoản chi tiêu trong gia đình.
Anh Trần Văn Tích, bố em Ngát tâm sự: “Thật sự gia cảnh nhà tôi rất khó khăn, từ lúc vợ tôi bị bệnh tôi chạy vạy vay mượn khắp nơi, đến căn nhà bố con đang ở cũng phải mang đi thế chấp. Nhưng bệnh mẹ cháu vẫn không qua khỏi. Giờ tôi chỉ biết cố gắng hết sức để lo cho các con có thể ăn học đến nơi đến chốn…”.
Chia tay Ngát ra về, nhìn cô bé với nước da ngăm đen, đôi mắt ánh lên một niềm tin cùng câu nói khẳng định của Ngát: “Em sẽ quyết tâm thi đỗ đại học, vì đó là con đường duy nhất để em có thể giúp được bố và gia đình…”. Và con đường phía trước của em còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng chúng tôi thầm chúc cho em sẽ đạt được ước mơ của mình...

Nguồn sưu tầm: haihau.com.vn

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Cầu Ngói - Công trình nghệ thuật độc đáo hiếm có ở Nam Định

Cầu Ngói bắc ngang sông Trung Giang. Toàn bộ cầu gồm 9 gian, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp; với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỷ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói hình mũi hài âm dương trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Chạm khắc trên cầu tuy đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê.

Cầu Ngói được các nhà nghiên cứu kiến trúc đánh giá là một công trình nghệ thuật độc đáo hiếm có, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước từng về thăm phong cảnh Hải Hậu ca ngợi. Họ gọi đó là “Cầu chùa phương Đông”. Đó cũng là đề tài khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân, thi sĩ.
Sư cụ Thích Đàm Mận, trụ trì Chùa Lương cho biết: Cầu Ngói là cây cầu thứ 10 trong xã Hải Anh. Cầu Ngói cũng có tên gọi khác là Thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu). Buổi đầu xây dựng, cầu được lợp hoàn toàn bằng cỏ khô. Phần phía trên được làm từ gỗ lim, mái được lợp bằng ngói vảy rồng. Cầu được đặt trên 18 chiếc trụ đá vô cùng chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4-5m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Giữa trụ và thân cầu không hề có bất cứ một chất kết dính nào.
Cầu vừa là nơi đi lại, vừa là nơi để khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh quan sông nước. Cầu đẹp đến nỗi, nho sĩ Trần Phúc Khiêm đã thốt lên:

“Quần Anh non nước xem như vẽ
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu”.

Cầu Ngói có bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ. Từ ngõa, nề, mộc đều đạt tới độ điêu luyện, tinh xảo. Bộ khung cầu vừa chắc chắn lại vừa mềm mại, uốn lượn như con rồng đang vươn mình bay lên.
 
Tác phẩm mỹ thuật: "Cầu Ngói chợ Lương" - Chất liệu bột màu của Họa sĩ  Đỗ Bình

Nguồn: haihau.com.vn

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Hải Hậu sẽ là huyện Nông thôn mới đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015

* Hải Hậu xây dựng Nông thôn mới từ nhà ra xóm

Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là huyện thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng được Trung ương chọn là một trong năm huyện trong toàn quốc xây dựng thí điểm Nông thôn mới. Bằng cách làm phù hợp với tình hình địa phương, Hải Hậu đã đạt được những kết quả rất lớn, 34/35 xã, thị trấn đạt tiêu chí Nông thôn mới và huyện dự kiến sẽ là huyện NTM đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015.

Chủ trương hợp lòng dân

“Trước thời cơ và thách thức của huyện điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM), Đảng bộ huyện đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề và 6 Đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện quan tâm tới việc chuyển đổi sản xuất, phát triển công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Phạm Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy huyện Hải Hậu cho biết.

Làng nghề mộc ở xã Hải Minh đã tạo việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập cao cho khoảng 2.500 lao động.

Huyện Hải Hậu đã đề ra lộ trình chung của xây dựng NTM, phân kỳ và xác định từng giai đoạn để có mục tiêu phát triển. Cả hệ thống chính trị nắm rõ về phương châm, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM. Qua nghiên cứu 19 tiêu chí của Trung ương, huyện Hải Hậu thấy điểm cốt lõi, căn bản là xây dựng xã NTM. Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tính toán, lựa chọn bước đi và phương thức hoạt động để phát huy nội lực trong nhân dân. Vì vậy, Hải Hậu đưa ra quan điểm xây dựng NTM là phải lấy địa bàn thôn xóm, cụm dân cư làm đơn vị tổ chức, nhằm phát huy vai trò chủ thể của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Phương châm làm NTM là “làm từ nhà ra xóm, từ thôn xóm lên xã”, “làm từ đồng về làng, từ làng lên xã”.

Chính phủ quy định xã NTM có 19 tiêu chí, thì Hải Hậu cụ thể hóa vào thực tiễn và tình hình địa phương để xây dựng tiêu chí gia đình NTM, xóm NTM, xã NTM. Có những tiêu chí không phải xã thực hiện mà do mỗi gia đình, thôn xóm thực hiện. Hải Hậu đặt ra 8 tiêu chí của một gia đình NTM, để từng gia đình thi đua thực hiện các tiêu chí như nhà ở kiên cố, nước sạch, công trình vệ sinh... Đối với xây dựng xóm NTM, Hải Hậu đặt ra 12 tiêu chí, trên cơ sở đó để các xóm thực hiện. Đối với Hải Hậu xây dựng NTM được phân cấp ở gia đình, thôn xóm và xã, quan điểm là xã lo công việc của xã, xóm lo công việc của xóm và gia đình lo chỉnh trang khuôn viên nhà mình. Để định hướng và tạo động lực cho từng gia đình, mỗi thôn xóm thì huyện xây dựng cơ chế khen thưởng, hỗ trợ để nhân dân làm với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
Chính sách dồn điền đổi thửa đã xây dựng được những cánh đồng lúa lớn và đường nội đồng thông thoáng, sạch đẹp, thuận lợi cho sản xuất.

Ông Phạm Văn Chiến chia sẻ: “Trước đây, trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội thì Trung ương quan điểm Nhà nước làm và nhân dân đóng góp, tức là Nhà nước đầu tư 70% và nhân dân đối ứng 30%. Chúng tôi thấy rằng, nếu thực hiện cách này thì không thể phát huy được tính tự chủ trong nhân dân và không đúng với tư tưởng nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM, không phát huy tối đa nội lực trong nhân dân và xã hội. Hải Hậu nêu lên phương châm là nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Tại buổi học Nghị quyết tại xã Hải Minh ngày 11/9, các đảng viên tham gia chật kín hội trường xã, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đứng lớp cũng có nội dung tuyên truyền việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của huyện, trong đó có xã Hải Minh. Chủ tịch UBND xã Hải Minh, huyện Hải Hậu cho biết: Xã Hải Minh bắt tay vào xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 chỉ có 5 tiêu chí, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã phát động toàn dân chung sức xây dựng NTM, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gia đình NTM, xóm NTM, xã NTM. Sau 3 năm, Hải Minh đã vượt trội so với các xã khác và đạt 18/19 tiêu chí, còn lại tiêu chí mua BHYT sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Đạt được kết quả ấy là nhờ nhân dân đồng thuận, ủng hộ cả ngày công, tiền của và hiến đất để làm đường nội đồng, các dong xóm, các công trình phúc lợi...

Dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá

Nhận thức việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trước mắt phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa để làm cơ sở thực hiện các nội dung khác.

Nếu không quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa thì không thể thực hiện xây dựng được cánh đồng lúa lớn và phân vùng rõ rệt vùng nào trồng lúa, vùng nào nuôi trồng thủy sản, vùng nào trồng cây con… Mỗi hộ gia đình có hai đến 4 mảnh ruộng nhỏ, manh mún, cách xa nhau thì năng suất không cao, tốn kém trong đầu tư và thu hoạch. Đồng thời, đất công của xã lồi, lõm, xa dân cư, muốn quy hoạch bán lấy vốn đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng thì giá trị kinh tế không cao.

Bí thư Huyện ủy, Phạm Văn Chiến cho biết: “Truyền thống của Hải Hậu trước kia là tứ tính cửu tộc, quai đê lấn biển để hình thành lên mảnh đất này. Ngày xưa, hệ thống thủy lợi vừa phục vụ tưới tiêu nhưng cũng là để thuyền vận chuyển sản xuất, ngày nay yêu cầu cơ giới hóa nên đưa máy móc vào, việc dồn điền đổi thửa để phát triển đường giao thông nội đồng là rất quan trọng, ưu tiên số một. Đảng ra chủ trương, người dân đồng thuận thực hiện, trong sáu tháng năm 2011, Hải Hậu đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, toàn huyện có 21 cánh đồng mẫu lớn, mỗi cánh đồng khoảng 10ha, dẫn đầu của tỉnh Nam Định, tạo điền đề thực hiện các chỉ tiêu khác”.

Trong phát triển kinh tế - xã hội thì huyện Hải Hậu đưa ra khẩu hiệu “mỗi gia đình có thêm một nghề”, không chú trọng đến việc giảm lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hải Hậu làm như vậy, thứ nhất là huyện thuần nông, người nông dân gắn bó với đồng ruộng và chỉ biết đến sản xuất nông nghiệp; thứ hai là huyện không có cơ sở nào thu hút, phát triển mạnh công nghiệp để chuyển đổi nghề cho số lượng lớn người dân lên tới 75% lao động. Người nông dân ngoài làm lúa thì làm thêm một nghề theo yêu cầu như: làm chiếu, đan lát, trồng cây cảnh, làm mộc, phụ xây dựng, làm cỏ, đội cát... miễn sao đó là nghề nâng cao thu nhập. Từ đó, Hải Hậu xây dựng Đề án phát triển làng nghề trong nông thôn, mỗi xã phải có một làng nghề, trong ba năm qua đã phát triển được 27 làng nghề, nhiều gia đình giàu có nhờ phát triển nghề.

Mặt khác, Hải Hậu nêu phương châm chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, tức là không đặt vấn đề năng suất nữa mà quan tâm đến giá trị của sản phẩm mang lại. Ví dụ, Hải Hậu trồng ít giống lúa lai giống tạp giao của Trung Quốc, chỉ trồng giống lúa tám thơm và bắc thơm số 7, dù năng suất thấp nhưng giá trị cao hơn nhiều. Ngoài ra, Hải Hậu chuyển đổi diện tích ruộng trồng lúa, làm muối năng suất thấp, đất nhiễm mặn, trũng nước thành diện tích nuôi trồng thủy sản, 1.080 ha đã được chuyển đổi và mang lại hiệu quả cao. Nuôi tôm công nghiệp có 120 ha, mỗi ha trừ chi phí thu về khoảng gần 1 tỷ đồng/năm.

“Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, nhân dân huyện Hải Hậu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành những tiêu chí dở dang, đưa huyện nhà đạt huyện NTM đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015”, ông Phạm Văn Chiến khẳng định.

* Hải Hậu phát huy nội lực làm nông thôn mới
Với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, phát huy sức mạnh từng cá nhân, tập thể, đơn vị, đẩy nhanh công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Buổi Hội nghị quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 9 - Khóa XI tại xã Hải Minh, ngày 11/9, các đảng viên đều được lắng nghe về nội dung xây dựng NTM và tiến độ, quyết tâm của Hải Hậu.

Dân làm, dân hưởng lợi
Đầu thu, những cánh đồng mẫu lớn ở Hải Hậu lúa vào thì đậu bông trải dài tít tắp, những con đường bê tông thông thoáng, đẹp, chạy đến từng ngõ xóm. Cuộc sống làng quê yên bình, nề nếp, giàu tình đất tình người. Sau hơn 3 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), Hải Hậu đã có bước tiến vượt bậc, cả về xây dựng cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân. Hiện nay, huyện Hải Hậu có 34/35 xã, thị trấn đạt NTM và kế hoạch đầu năm 2015 sẽ đạt huyện NTM đầu tiên của cả nước.

Ông Phạm Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy huyện Hải Hậu cho biết: Trước đây, trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội thì Trung ương quan điểm Nhà nước làm và nhân dân đóng góp, tức là Nhà nước đầu tư 70% và nhân dân đối ứng 30%. Chúng tôi thấy rằng, nếu thực hiện cách này thì không thể phát huy được tính tự chủ trong nhân dân và không đúng với tư tưởng nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM, không phát huy tối đa nội lực trong nhân và xã hội.

Hải Hậu nêu lên phương châm là nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo lắng đời sống của nhân dân còn khó khăn thì liệu có thực hiện đóng góp hay huy động ủng hộ đủ kinh phí để thực xây dựng NTM đúng như kế hoạch không? Nhưng đến hôm nay thì ngoài sức tưởng tượng của tôi, đúng là “Ý Đảng, lòng dân”.

Các kế hoạch, quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng... đều được công khai trước dân, do dân bàn bạc thực hiện, do dân giám sát. Vì vậy, khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả. Ngoài 1 triệu đồng/khẩu phải đóng, người dân còn ủng hộ công sức, tiền của và hiến đất để xây dựng xóm NTM, xã NTM và mục đích cao hơn là huyện Hải Hậu đạt NTM.

Nhân dân trong toàn huyện tự nguyện hiến trên 345 ha đất nông nghiệp và 25 ha đất ở để thực hiện các công trình giao thông, phúc lợi công cộng, góp gần 200 nghìn ngày công lao động phục vụ xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của Hải Hậu đạt 1.240 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và con em ủng hộ là 526 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Rị, Chủ tịch UBND xã Hải Minh (Hải Hậu) thì để xây dựng xã Hải Minh đạt NTM thì phải đầu tư khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ đầu tư 8 tỷ đồng, vì vậy nếu không xã hội hóa và người dân đồng thuận, chung sức, sao mà đạt được. Tính theo tiêu chí đã đạt thì cuối năm 2014, xã Hải Minh sẽ đạt NTM. Hiện xã còn nợ tiền xây dựng các công trình xã hội trên 3 tỷ đồng, nhưng theo ông chủ tịch xã thì đó là khoản nợ đơn giản, không phải là việc khó đối với xã Hải Minh.

Tinh thần xây dựng quê hương
Ở xóm Hải Minh hai gia đình ông Nguyễn Văn Khuê ở xóm 34, ông Đinh Văn Tịnh ở xóm 31 đã ủng hộ làm con đường chính của xã trị giá gần 2 tỷ đồng. Gia đình ông Phạm Văn Thắng, 64 tuổi hiến 120m2 đất cho xóm để làm đường dong xóm và đường nội đồng.
Xây dựng NTM, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, thông thoáng, sạch đẹp.

Ông Thắng tâm sự: “Làm đường làng, ngõ xóm đẹp, sạch sẽ và thông thoáng thì mình là người được hưởng lợi, vì vậy người dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước, góp công, góp của và hiến đất xây dựng xóm NTM. Xóm khác làm được, xóm mình không làm được thì mình chịu thua họ à! Mỗi người, mỗi gia đình đồng lòng, cố gắng là làm được hết”.

Ở xã Hải Hà có bà Phạm Thị Túc, 80 tuổi, ở xóm 6 là vợ liệt sỹ ủng hộ xóm số tiền 100 triệu đồng mà bà tích góp cả cuộc đời, để xóm có nguồn kinh phí xây dựng NTM. Con cháu ủng hộ cách làm của bà, coi đó là nghĩa cử cao đẹp để xây dựng quê hương, đất nước.

Đặc biệt, gia đình cụ Vũ Thị Chính, 89 tuổi ở xóm 2, xã Hải Hà có ba thế hệ đều ủng hộ và hiến đất để xây dựng thôn xóm “xanh, sạch, đẹp”. Khi xóm làm đường dong xóm, cần đất thì cụ Chính vui vẻ hiến 50m2 đất thổ cư.

Con trai cụ Chính, anh Vũ Trọng Nghĩa cho ba xóm (xóm 1, xóm 2, xóm 3) của xã Hải Hà mượn tiền trị giá trên 2 tỷ đồng để mua vật liệu, làm đường dong xóm mà không lấy lãi và trả dần trong 3 năm. Người cháu là anh Vũ Văn Thành, ủng hộ tiền xây dựng nhà thi đấu đa năng cho xã, rộng khoảng 600m2, có sân bóng đá mi li, sân bóng truyền, bóng bàn, sân cầu lông... tổng mức kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Quảng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Hà Cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã và các đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền người dân hiểu được xây dựng NTM trên địa bàn là mang lại lợi ích cho chính mình và con cháu sau này.

Nhân dân đồng lòng, ai có công góp công, người có của góp của, con em quê hương thành đạt làm ăn xa thì hướng về ủng hộ xây dựng quê nhà giàu đẹp. Xã Hải Hà chỉ còn một tiêu chí chưa đạt, đó là Trường THCS chưa chuẩn quốc gia vì trường lớp học không đáp ứng. Hiện nhà thầu đang khẩn trương thi công xây dựng, đầu tháng 11 này sẽ hoàn thành và xã Hải Hà sẽ về đích NTM.

“Kết quả thực hiện xây dựng NTM của tỉnh Nam Định nói chung và huyện Hải Hậu nói riêng đã chứng minh nhân dân làm thực, hiệu quả thực chứ không phải phong trào”, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định.

Tác giả: Việt Hoàng
Nguồn: haihau.com.vn

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Gạo tám xoan Hải Hậu

"Cơm Tám ăn với chả chim. 
Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no". 
Không biết trong dân gian có bao nhiêu câu ca dao tục ngữ nói về sự quý giá, cao sang của hạt gạo Tám xoan - loại gạo kén cả nồi thổi, lẫn thức ăn đi cùng. Chả thế, một thời gạo Tám xoan Hải Hậu đã khiến cả dãy phố Hà Nội trở nên nổi tiếng. Khách sang, kén ăn dù ở đâu về cũng tìm đến phố cơm Tám giò chả Hàng Buồm để thưởng thức.
Theo các cụ "lão nông tri điền" ở huyện Hải Hậu - nơi có gạo Tám xoan nổi tiếng cả nước, thứ gạo trắng trong, thơm ngon tinh khiết này là sự gắn kết tuyệt vời của thiên nhiên và con người. Cũng như nhãn Hưng Yên, cam Bố Hạ, chè Thái Nguyên,... đâu phải xã nào, huyện nào cũng trồng được. Ở Hải Hậu, gạo Tám Xoan chỉ trồng được ở vùng đất "Cửu An, Nhất Phúc" (tên gọi của 9 thôn có chữ đầu là An và thôn Phúc Khải) của vùng ven sông Ninh và sông Kim Giang.
Gạo Tám Xoan có từ bao giờ?
Hải Hậu vốn là huyện có trình độ thâm canh và năng suất lúa cao trong cả nước. "Vật đổi, sao dời", nhưng gạo Tám thơm vùng quê Hải Hậu vẫn giữ được tiếng thơm đến tận bây giờ. Những năm tháng chiến tranh, cho dù năng suất thấp, kỹ thuật trồng cấy cầu kỳ, nhưng các xã có chân ruộng cấy gạo Tám vẫn không bỏ đi thứ đặc sản quý báu mà cha ông để lại. Nhờ vậy, ngày ấy mỗi khi có khách quốc tế đến Việt Nam, cơm Tám vẫn có mặt trong các bữa cơm mời bạn.
Cụ Hiếu ở xã Hải Giang - người cao tuổi nhất trong xã đã 70 năm sống bằng nghề nông - cho biết: "Trồng lúa Tám khó và công phu lắm. Nhưng công người bỏ ra bao nhiêu thì hạt gạo dâng tặng lại cho hương thơm bấy nhiêu. Chứ lúa Tám mà cứ trồng tràn lan và bón đầy phân hoá học thì khi thổi cơm chỉ có mà nhạt thếch".
Chẳng biết từ bao giờ, người trồng lúa Tám thơm huyện Hải Hậu cứ cha truyền con nối, răm rắp làm theo công thức chọn đất tốt, cày ngâm, bừa ải, cấy sớm gặt muộn, khi gặt phải vào lúc lúa "chín tám" sau tiết hạn lộ, còn chăm bón thì phải phân chuồng, kèm phân xanh là lá xoan, lá tràm,... Đến những năm 1980, một vài nơi đã có máy xay xát hỗ trợ người nông dân, nhưng người làm lúa Tám Hải Hậu vẫn theo lối cổ truyền với những chiếc cối xay hoà nhịp cùng tiếng chày giã gạo thậm thịch thâu đêm. 
Tiếng lành đồn xa
Vào vụ gặt, nếu ai có dịp đi qua những cánh đồng của các xã Hải Toàn, Hải Phong, Hải An, Hải Giang,... những nơi có diện tích trồng lúa Tám dường như đều cảm thấy bầu không khí như được ướp hương thơm. Ra khỏi làng rồi mà vẫn tưởng như hương thơm lúa Tám phảng phất đâu đây. Vào nhà nào mà thấy ngoài những cót thóc tẻ lại có chum vại, phủ lá chuối khô đậy kỹ lưỡng thì biết là đựng thóc Tám. Những năm gần đây, với xu thế sản xuất hàng nông sản, ngoài các xã chuyên canh, một số địa phương khác trong huyện cũng chọn vùng đất tốt chuyển sang cấy lúa Tám. Chính vì thế sản lượng gạo Tám ở Hải Hậu có năm lên tới 10 nghìn tấn. Gạo xuất bán theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài, bán trên thị trường trong Nam ngoài Bắc, nhưng tiêu thụ mạnh nhất vẫn là Hà Nội.
Song mua được gạo Tám Hải Hậu chính hiệu không phải dễ. Có trường hợp bao bì chữ in là thế, nhưng chất lượng sản phẩm bên trong lại không như ý muốn vì là gạo lai tạp không rõ xuất xứ. Đó còn chưa nói đến chuyện, nhiều giống lúa mới có hạt gạo thơm dài được người bán vò thứ lá có mùi thơm na ná như gạo Tám để đánh lừa người tiêu dùng,... Vì thế, khi Viện khoa học - kỹ thuật nông nghiệp kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định xúc tiến xây dựng thương hiệu cho gạo Tám, người dân Hải Hậu rất vui mừng.

Nguồn: haihau.com.vn

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Nước mắm Hải Hậu - Giàu hương vị quê hương

Nước mắm là loại gia vị quá đỗi quen thuộc với hầu hết người Việt, dù ở trong nước hay đang sinh sống ở nước ngoài. Là người Việt Nam ai mà không biết đến những món ăn, gia vị chân truyền trong thú ẩm thực dân dã của tiền nhân. Các Cụ xưa có câu: "Thịt không hành như canh không mắm" nói nên tầm quan trọng không thể thiếu của món ăn dân dã mà rất đỗi quen thuộc này.

Nói đến huyện Hải Hậu, ngoài những sản vật nổi tiếng như Hải sản, Gạo Tám xoan tiến Vua, Bánh Nhãn,... không thể không nhắc tới nước mắm: món ăn nổi tiếng mang hương vị đặc biệt chỉ có ở Hải Hậu. Người Hải Hậu vốn giỏi nghề đánh cá biển và thạo nghề làm muối nên biết làm nước mắm từ rất sớm. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù về nắng, gió, nguồn nước, chất muối và cách thức chế biến tạo ra môi trường phù hợp cho quá trình hình thành và phát triển của vi sinh, có tác dụng thuỷ phân và tạo hương thơm cho chượp. Những giọt nước mắm được làm tại Hải Hậu luôn thơm mùi đặc trưng, được chắt lọc từ nước chượp màu cánh gián, vàng rơm đậm, mang hương vị của biển cả, đất trời quê hương.

Được chiết xuất thủ công từ cá Dỏng, cá Lâm, cá Nục và muối sạch đã được ủ kỹ. Thị Trấn Cồn có hương vị đặc trưng rất riêng về hương thơm và vị đượm có hậu, lại giàu chất dinh dưỡng. Bí quyết đặc biệt của nước mắm Hải Hậu để có mùi thơm đặc trưng, độ đạm cao, để được lâu ngày là do quá trình làm mắm hoàn toàn bằng thủ công, ủ chượp không dưới 12 tháng sau khi đưa cá vào bể và khuấy đảo nguyên liệu hàng ngày cùng với công thức pha chế gia truyền đặc biệt cộng với quá trình giám sát hết sức chặt chẽ về an toàn vệ sinh và không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào. Sản phẩm nước mắm Hải Hậu đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở dĩ nước mắm mang thương hiệu huyện Hải Hậu được coi là số 1 bởi hàm lượng đạm cao. Cơ sở chỉ bán ra loại nước mắm giàu đạm với đầy đủ vi chất dinh dưỡng như các loại axít amin, vitamin PP, A, D, B1, B2, B12…, muối vô cơ, muối khoáng (muối i ốt, vi chất sắt…).
Nước mắm Hải Hậu có vị mằn mặn và hương thơm đặc trưng, bởi đó là yếu tố bảo đảm chất lượng sản phẩm trong thời gian dài, thuận lợi cho người sử dụng. Do vậy, tuỳ theo khẩu vị của mỗi người, từng gia đình, mỗi vùng miền mà có thể để ăn nguyên chất hoặc thêm gia vị như chanh, quất tươi; đường trắng, nước sôi để nguội hoặc chút ớt, hạt tiêu, tỏi, tương ớt… chỉ với yêu cầu đừng làm mất đi hương vị đất trời của mắm Hải Hậu.

Nguồn: haihau.com.vn

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Chợ quê ( Hải Hậu - Nam Định)

Chợ quê - một nét văn hóa Việt sắp biến mất.




Chợ quê là nơi trao đổi hàng hóa, nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó gắn rất chặt và là một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã ở Việt Nam. Ở quê xưa mỗi xã đều có một cái chợ nhỏ, gọi là chợ làng bán mua hàng hóa thiết yếu thường ngày, vài xã thì lại có một cái chợ lớn hơn họp theo phiên, gọi là chợ huyện.
Những chợ lớn ở huyện Hải Hậu gồm có chợ Đông Biên - Hải Bắc họp vào các ngày 5 và 9 âm lịch, chợ Quán - Hải Hà họp vào các ngày 3 và 7, chợ Cồn - thị trấn Cồn họp vào các ngày chẵn, chợ Thượng Trại - Hải Phú họp vào các ngày lẻ,...
Nét đặc trưng của chợ quê xưa là phần lớn người bán hàng ở chợ là những nông dân bán những sản phẩm do chính tay họ làm ra. Số tiểu thương chuyên nghiệp với sạp hàng cố định chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Chính vì đặc điểm này nên chợ chỉ bao gồm những mái đình trống, mỗi phiên chợ người bán hàng phải đến thật sớm để có thể chọn được cho mình một vị trí thuận lợi.
Những "thương gia" quê nghiệp dư tham gia chợ chủ yếu theo phương cách hàng đổi hàng. Nghĩa là nếu như khi đi với một buồng chuối xanh đội trên đầu thì khi về sẽ là một con mèo con hoặc mấy con gà chiếp. Tiền chỉ đóng vai trò trung gian rất ngắn trong phạm vi chợ.
Người phụ nữ xưa rất vất vả, suốt ngày lam lũ đầu tắt mặt tối với hàng trăm thứ việc không tên trong gia đình, khiến họ không còn thì giờ giao lưu với cộng đồng bên ngoài, bởi thế phiên chợ chính là cái cớ để họ ra khỏi nhà. Hành trang đến chợ của người phụ nữ không chỉ là những món hàng vật chất mà còn là cả những nỗi niềm tâm tư đầy ắp tìm nơi chia sẻ. Có thể nói chợ quê xưa góp một phần không nhỏ giúp giải phóng phụ nữ, giúp người phụ nữ có điều kiện quay về với nhịp sống sôi động của cộng đồng.
Mỗi phiên chợ quê xưa được coi như một ngày hội, thế nên ngay khi hết phiên chợ này người ta lại bắt tay vào chuẩn bị tiếp những thứ cho phiên chợ sau. Buồng cau, buồng chuối, giàn trầu, ổ chó mới đẻ,... tất cả đều sẵn sàng lên thúng xuống chợ.
Chợ chiều.
Các bà mẹ đi chợ bao giờ cũng có quà mang về cho lũ con ở nhà. Quà chợ của mẹ mộc mạc và đơn sơ lắm, khi thì bỏng ngô, bỏng gạo, lúc thì quả ổi, quả na,... nhưng luôn là những thứ mong đợi của con trẻ. Bởi nó thành "quy trình" như thế nên khi mẹ bắt đầu đi chợ là con ở nhà cũng bắt đầu mong, "mong như mong mẹ về chợ".
Xưa, khi mà kỷ nguyên túi ni lông chưa xuất hiện và hoành hành như bây giờ, việc gói ghém hàng rời ở chợ được thực hiện bằng các loại lá. Lá khoai dùng gói mắm, muối, lá chóc gói bánh đúc, bánh cuốn, lá chuối gói thịt, gói xôi,...
Có một điều rất lạ là người ta gói được cả cua rốc bằng lá khoai. Sau khi đong cua bằng ống bơ, người bán đổ cua ra mấy chiếc lá khoai đã trải sẵn, trong lúc cua chưa kịp hoàn hồn thì hai tay người bán cua đã túm ngay các góc lá khoai gói lại và buộc chặt bằng dây chuối, cứ thế yên tâm bỏ vào thúng đội lên đầu như một mặt hàng bất động. Nhìn bàn tay thoăn thoắt của cô bán cua cũng phần nào cảm nhận được sự nhanh nhẹn tháo vát của người con gái, nhiều bà đi chợ thầm mong cưới về được cho con trai mình một cô gái bán cua như thế.
Mà cũng lạ, cua bị bó cứng rất lâu nhưng khi về nhà cởi ra lại vẫn chạy ầm ầm, không con nào bị chuột rút hay chết lâm sàng cả.
Việc gói ghém bằng lá ngoài ý nghĩa bảo vệ môi trường ra thì nó còn giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn, ví dụ như xôi hay thịt gói bằng lá chóc sẽ lâu thiu hơn gói bằng túi ni lông. Hơn nữa chính những chiếc lá cũng góp phần tạo thêm hương vị cho thực phẩm. Một điều chúng ta có thể cảm nhận được ngay là giò lụa gói bằng lá chuối ăn rất khác giò lụa gói bằng túi ni lông.
Nhà nông thường có tính tự cung tự cấp rất cao, thóc trong bồ, lợn trong chuồng, rau ngoài vườn, cá dưới ao, gà ngoài sân,... Có thể cả năm không cần ra ngoài mà vẫn sống khỏe (khác với thành phố, ngắt điện mấy tiếng là thị dân thoi thóp như cá cảnh). Cái thiết yếu nhất từ chợ đối với người dân quê có lẽ là muối và mắm. Trong thúng của các bà đi chợ về luôn có một dúm muối, một dúm mắm đựng bằng lá khoai và buộc bằng một sợi rơm.
Người địa phương khác thường phàn nàn rằng người Hải Hậu hay lạm dụng mắm tôm, hầu hết các món ăn đều có sự tham gia của mắm hoặc nước mắm. Người Hải Hậu giải thích rằng con gái ăn nhiều mắm sẽ... đẹp da, tăng chỉ số IQ và... chống ung thư. Thói quen dùng nhiều mắm cũng có cái lợi là trực tiếp thúc đẩy ngành công nghiệp mắm Hải Hậu phát triển và tạo nên một thị trường mắm rất sôi động, liên tục "xanh sàn" ở các phiên chợ.
Nói đến mắm tôm chợt nhớ đến phố Đông Biên xưa có một nhà hàng mắm chuyên nghiệp, đi qua hiệu ảnh Thanh Dung một đoạn là bắt đầu ngửi thấy mùi mắm tôm thật nồng nàn và quyến rũ. Đúng là hữu xạ tự nhiên hương, cả một con phố ngào ngạt mùi mắm, khỏi cần phải treo biển quảng cáo. Ai sống ở đó lâu ngày rồi đi xa chắc là nhớ mùi mắm lắm, giống như người Hà Nội nhớ mùi hoa sữa vậy.
Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa thì chợ quê cũng là nơi cung cấp các dịch vụ thủ công như hàn dép, hàn xoong nồi, chữa khóa, sửa bật lửa,... Bên cạnh đó thì phố chợ cũng góp thêm mỗi nhà một dịch vụ gia truyền phục vụ người đi chợ như hiệu may, cắt tóc, sửa đồng hồ, vẽ truyền thần, xay bột,...
Một mặt hàng rất quan trọng của chợ quê là nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: cày, bừa, móng, cuốc, dao, liềm,... Bên cạnh chợ bao giờ cũng có một vài cái lò rèn, người đi chợ có thể mua những sản phẩm bán sẵn của lò rèn, hay đặt hàng theo yêu cầu riêng hoặc cũng có thể sửa chữa, chuyển đổi đồ cũ đang dùng.
Một ví dụ về chuyển đổi đồ cũ như con dao rựa chẳng hạn, sau một thời gian chặt cây, chẻ củi, mài đi mài lại nó sẽ bị mòn dần, đến một lúc nào đó không còn dùng vào việc "rựa" được nữa thì người ta mang xuống lò rèn để rèn lại thành con dao mác. Dao mác mòn thì lại rèn thành dao phay, và cuối cùng rất có thể sẽ là cái dao têm trầu. Một cục sắt dùng cả mấy đời người.
Việc nhận gia công dụng cụ của các lò rèn thường được nhận vào phiên chợ này và hẹn trả vào phiên chợ lần sau. Đây cũng là một trong rất nhiều lý do khiến người ta luôn bị kẹt giữa các phiên chợ và không thể không đi chợ.
Ngoài người lớn ra thì rẻ con cũng tham gia chợ với nhu cầu tìm mua lưỡi câu, dây cước, ngòi bút, lọ mực,... Bà hàng bán dây cước ngày xưa không dùng đơn vị đo là mét mà bằng sải tay, bọn trẻ con đi mua dây cước thường cho một thằng nhỏ con vào mặc cả, đến khi làm giá xong thì thằng lớn nhất với sải tay dài như vượn nhảy vào đo, hehe.
"Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng".
Ngày xưa không có internet nên chợ là một nơi trao đổi thông tin rất quan trọng, không đi chợ coi như bị mù tịt về thông tin. Qua "diễn đàn chợ" các bà các cô mới có dịp buôn dưa lê hàn huyên tâm sự với nhau. Cũng qua đi chợ mới biết nhà bà A có cái B nó cũng kháu gái, nếu chưa có đám nào hỏi thì mai tôi sang hỏi cho thằng con trai tôi. Đây cũng là một cách đánh tiếng từ xa và tuyên bố xí phần.
Chợ quê không chỉ là nơi mua bán sản phẩm nội vùng mà còn là nơi người ta trao đổi những sản vật từ các vùng miền lân cận. Hải Hậu có 3 chợ thuộc loại trung tâm vùng là chợ Đông Biên, chợ Cồn và chợ Thượng Trại. Chợ Đông Biên nằm giữa "lục địa" với những sản vật đặc trưng là trái cây, đồ mây tre đan, giống cây trồng,... Chợ Cồn ven biển với tôm cá, mắm muối, chiếu cói,... Chợ Thượng Trại giữa vựa lúa phía tây của huyện nên thóc gạo bao giờ cũng "hơn" các chợ khác, và đặc biệt là rượu Hải Châu nổi tiếng, chồng uống vợ khen hay...
Phiên chợ vui nhất trong năm phải nói ngay là phiên chợ tết. Tiếng pháo nổ đì đùng, người xe chen nhau hối hả với lá dong, cành đào, cành quất,... Mùi hương bài, mùi khói pháo hòa lẫn với mùi bánh rán, mùi mắm tôm tạo nên cái hương vị rất đặc trưng của chợ tết. Trẻ con ngày xưa có khi cất tiền mừng tuổi từ đầu năm đến cuối năm để đi chợ tết. Hehe.
"Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều con gái đẹp nên anh phụ nàng".
Ngày nay, cuộc sống thị trường hối hả, các nhà bán lẻ chuyên nghiệp xuất hiện trong tận ngõ ngách từng khu dân cư, những cuộc bán mua vội vã bằng cách chống chân xe máy bên đường đang làm các chợ quê dần biến mất. Cùng với đó cả một "văn hóa phiên chợ" - một phần của văn hóa làng xã Việt Nam cũng sẽ không còn nữa, chỉ còn chút hồn Việt bay bổng chập chờn trong ký ức xa xăm của những người lớn tuổi.

Nguồn: haihau.com.vn

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Tục ăn cỗ lấy phần ở Hải Hậu

Người vùng khác đến Hải Hậu ăn cỗ thường ngạc nhiên với tục lấy phần ở đây. Bên cạnh mâm cỗ, gia chủ luôn chuẩn bị sẵn lá dong, lá chuối (bây giờ là túi ni lông) để thực khách gói phần mang về sau khi tan tiệc. Và thường trong bữa người ta chỉ ăn qua loa, còn thì chủ yếu để lấy phần mang về.



Để tìm hiểu phong tục này, chúng ta cần ngược thời gian về những năm tháng xa xưa trước...
Huyện Hải Hậu cũng như nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước, cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng người nông dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuộc sống nông dân quanh năm vất vả, chật vật tìm kế sinh nhai, lo toan từng miếng cơm, manh áo... Để có được một bữa ăn thực sự người ta phải chờ đến cỗ, và chỉ cỗ mới có được miếng ăn ngon. 
Thế nhưng khi ăn cỗ người ta không thể vô tư ăn uống no say mà không nghĩ về đàn con ở nhà đang nheo nhóc với củ khoai, củ sắn. Và vì thế ở bữa cỗ người ta chỉ ăn rất ít, những miếng ngon để dành hết gói mang về cho đàn con ở nhà.
Nhìn mâm cỗ Hải Hậu những người vô tình sẽ đánh giá rằng người ở đây "chém to kho mặn", không biết chế biến món ăn. Những quả cam, quả táo thay vì bổ nhỏ ra thì lại để nguyên cả quả; những miếng thịt, miếng giò gắp lên có thể che cả nửa khuôn mặt, che luôn cả bầu trời. Rõ ràng người làm cỗ đã chủ ý bày ra không phải để ăn...
Lúc gói phần, những bà mẹ đông con nhỏ thường được các bà khác bớt phần của mình để chia thêm cho. Người thì dúi cho thêm quả cam, quả táo; người thì gắp thêm cho miếng thịt, miếng giò,... Những hành động nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình người...
Người mẹ xách gói phần đi về nghĩ đến đàn con đang hóng đợi ở nhà mà lòng vui phơi phới. Những miếng ngon mình không dám ăn để dành dụm mang về, các con được ăn cũng như là mình ăn vậy. Triết lý nhân văn ở đây thật giản dị mà cao cả.
Ngày nay, sự ăn đối với nhiều gia đình đã không còn là vấn đề, nhưng ăn cỗ người ta vẫn lấy phần. Nó vừa là thói quen, vừa là để nhắc nhở nhau về một quá khứ khó khăn còn chưa xa lắm. Và quan trọng hơn, người Hải Hậu muốn răn dạy cho thế hệ sau về đức tính hy sinh, chia sẻ. Trước là đối với người thân, và sau là đối với đồng loại.



Đó là một nét văn hóa đẹp của người Hải Hậu, nó không hề đơn giản.



Tác giả: Đỗ Ngọc Nam
Nguồn: haihau.com.vn

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Hải Hậu xây dựng môi trường văn hóa trong các làng quê

Trong xây dựng làng văn hóahuyện Hải Hậu luôn chú trọng đưa văn hóa vào toàn bộ cuộc sống của nhân dân trong huyện, từ việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, ứng xử, giao tiếp, lao động sản xuất…, đến các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa thể thao, nhà ở, nước sạch, công trình vệ sinh... được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hơn 30 năm điển hình văn hóa của toàn quốc, từ một vùng quê thuần nông, huyện Hải Hậu đã phấn đấu vươn lên, trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển. Trong xây dựng đời sống văn hóa, Hải Hậu đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong các làng quê. Phong trào xây dựng xóm, tổ dân phố văn hoá trong huyện có bước phát triển rộng lớn, được nhân dân tích cực hưởng ứng. điển hình như xã Hải Sơn, 100% số xóm đạt tiêu chuẩn NSVH, xã Hải Phương có 12/13 xóm văn hóa, xã Hải Phú có 14/17 xóm văn hóa. Toàn huyện có 24 xóm văn hóa tiêu biểu liên tục từ 5 năm trở lên. Đặc biệt, xóm 8 xã Hải Bắc liên tục 13 năm đạt danh hiệu xóm văn hóa.
Trong xây dựng làng văn hóa, huyện Hải Hậu luôn chú trọng đưa văn hóa  vào toàn bộ cuộc sống của nhân dân trong huyện, từ việc ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, ứng xử, giao tiếp, lao động sản xuất…, đến các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa thể thao, nhà ở, nước sạch, công trình vệ sinh... được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến nay, 100% các xã, thị trấn ở Hải Hậu đã có nhà văn hóa, 464/548 xóm có nhà văn hoá, đạt 84,6%. Ban Chỉ đạo xây dựng NSVH của huyện và BCĐ của 35/35 xã, thị trấn trong huyện đã tập trung chỉ đạo các xóm, tổ dân phố xây dựng hương ước và 100% các xóm đã có hương ước được UBND huyện phê duyệt, chuyển tới từng hộ dân để thực hiện. Đến nay, việc cưới, việc tang, lễ hội, tình đoàn kết thôn xóm, xây dựng cảnh quan môi trường, thực hiện nghĩa vụ công dân… đã đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, hạn chế các tệ nạn xã hội. Vai trò của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy. Di sản văn hóa ở mỗi thôn, xóm đã được gìn giữ, tu bổ, nâng cấp. Thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong được gìn giữ. Nhân dân các làng, xã ở Hải Hậu luôn chủ động, tích cực tham gia đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt trong đời sống cộng đồng. Ý thức sống và làm việc theo pháp luật ngày càng được nâng cao. Đến nay, ở Hải Hậu đã có trên 60 nghìn gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 76% số hộ gia đình trong toàn huyện. Trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Trong đó, huyện chú trọng xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển... Đến nay, ở Hải Hậu có 25950 gia đình văn hóa làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, hàng hóa dịch vụ. Các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá đều gương mẫu chấp hành các chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt nghĩa vụ công dân, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, thực hiện tốt KHHGĐ, nuôi dạy con tốt, kinh tế gia đình phát triển và tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Tiêu biểu trong phong trào là các xã Hải Phú, Hải Thanh, Hải Hưng, thị trấn Cồn, Hải Phương, Hải Tân, Hải Sơn, Hải Hà, Hải Nam, thị trấn Thịnh Long… Mỗi gia đình, mỗi làng quê văn hóa ở Hải Hậu đã trở thành những pháo đài vững chắc, ngăn chặn và đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của mặt trái kinh tế thị trường.

Đạt được kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Hải Hậu. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về phong trào xây dựng đời sống văn hoá đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng. Công tác xã hội hóa, đặc biệt là xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa như: nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, phong trào VHVN, TDTT quần chúng, hoạt động các câu lạc bộ cũng là điều kiện để thúc đẩy phong trào phát triển. Bên cạnh đó, Hải Hậu luôn coi trọng công tác thi đua khen thưởng. Thực tế ở những đơn vị tổ chức tốt, phát động tốt và thực hiện tốt phong trào, các đơn vị đó đều có cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời, ở những đơn vị đó phong trào phát triển rộng khắp, đã nâng cao được ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc phấn đấu thực hiện tốt phong trào xây dựng làng văn hóa.

NguồnHaihau.com.vn 

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Hải Hậu quê tôi

Hải Hậu Phía đông bắc giáp huyện Giao Thủy, phía bắc giáp huyện Xuân Trường, phía tây bắc giáp huyện Trực Ninh, phía tây nam giáp huyện Nghĩa Hưng, phía đông và đông nam giáp biển Đông. Cực nam của huyện là cửa Lạch Giang của sông Ninh Cơ, nằm ở thị trấn Thịnh Long, ranh giới với huyện Nghĩa Hưng. Bờ biển Hải Hậu dài dọc theo thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Hòa, Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý, Hải Đông và giáp với huyện Giao Thủy.
Huyện có diện tích 230,22 km². Toàn bộ diện tích huyện Hải Hậu là đồng bằng với khoảng 32 km bờ biển, trên địa bàn huyện không có ngọn núi nào.
Huyện có dân số 256.864 người.

Na tím một đặc sản Hải Hậu

Na tím một đặc sản Hải Hậu

Những đặc sản quê tôi như Na, Soài, Mít, Bười, Thanh Long gần như nhà nào cũng có, đây là những sản phẩm "cây nhà lá vườn" rất đỗi gần gũi với mọi người khi về thăm quê.
Hải Hậu vào vụ lúa hè thu

Hải Hậu vào vụ lúa hè thu
Năm nay vụ thu đông sắp bắt đầu những mùi hương lúa tỏa ngào ngạt nếu ai đi xa về sẽ thấy rõ được khi lướt qua những con đường nội đồng.

Kinh tế
  • Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2003 - 2005 đạt 8,1%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,5%/năm; bình quân cả thời kỳ 2003 - 2010 là 8,5%/năm. Thu nhập bình quân năm 2010 đạt khoảng 7 triệu đồng/người (theo giá hiện hành)
  • Hải Hậu là một trong những vựa lúa của Nam Định cũng như vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Hải Hậu khá nổi tiếng với gạo tám, nếp hương, dự, v.v...
  • Kinh tế của Hải Hậu khá đa dạng, gồm nông nghiệp (trồng lúa), đánh bắt và chăn nuôi thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ (nghề mộc), làm muối, cây cảnh và đặc biệt là du lịch. Huyện Hải Hậu phát triển du lịch tại bãi tắm Thịnh Long. Ngoài ra cảng Thịnh Long cũng đóng vai trò trong phát triển kinh tế của huyện. Bốn xã được coi là mũi nhọn trong nền kinh tế Hải Hậu là thị trấn Cồn - nơi có chợ Cồn là trung tâm của cả vùng, thị trấn Thịnh Long, thị trấn Yên Định - là trung tâm huyện và xã Hải Giang, Hải Phong, Hải Ninh nơi có những cánh đồng lúa tám thơm đặc sản Hải Hậu. Bờ biển Hải Hậu còn có các cánh đồng muối. Người dân ở đây cũng tham gia đánh bắt hải sản. Ngoài ra, vào lúc nông nhàn người dân cũng đi làm ở các nơi đem lại một nguồn thu nhập quan trọng trong mỗi gia đình.
Giáo dục
  • Giáo dục, đào tạo ngày càng được xã hội hoá sâu rộng. Tất cả các thị xã, thị trấn đều có trường học cao tầng, nhiều xã có 3 - 4 trường. Chất lượng giáo dục toàn diện được củng cố vững chắc cả về giáo dục, trí dục, đức dục, giáo dục quốc phòng và pháp luật. Đặc biệt, số học sinh ở cả ba cấp đạt kết quả cao qua các kỳ thi học sinh giỏi tăng đều qua các năm, đạt thứ hạng 2, 3 toàn tỉnh. Đến năm 2002, 100% xã, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2004, toàn huyện có 6 trường mầm non, 30 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2001 - 2010.
  • Huyện Hải Hậu có 8 trường cấp 3 công lập: (Trường thpt A Hải Hậu, Trường thpt B Hải Hậu, Trường thpt C Hải Hậu, Trường Trung học phổ thông Thịnh Long(D) và Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn, Trường PTTH Vũ Văn Hiếu,Trường Trung học phổ thông An Phúc, Trường Trung học phổ thông Dân Lập Hải Hậu). Trong đó Trường Trung học phổ thông A Hải Hậu là một trong những lá cờ đầu trong tỉnh về giáo dục đào tạo.
Tác giả: Anh Tuấn