Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Hải Hậu sẽ là huyện Nông thôn mới đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015

* Hải Hậu xây dựng Nông thôn mới từ nhà ra xóm

Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là huyện thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng được Trung ương chọn là một trong năm huyện trong toàn quốc xây dựng thí điểm Nông thôn mới. Bằng cách làm phù hợp với tình hình địa phương, Hải Hậu đã đạt được những kết quả rất lớn, 34/35 xã, thị trấn đạt tiêu chí Nông thôn mới và huyện dự kiến sẽ là huyện NTM đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015.

Chủ trương hợp lòng dân

“Trước thời cơ và thách thức của huyện điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM), Đảng bộ huyện đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề và 6 Đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện quan tâm tới việc chuyển đổi sản xuất, phát triển công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Phạm Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy huyện Hải Hậu cho biết.

Làng nghề mộc ở xã Hải Minh đã tạo việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập cao cho khoảng 2.500 lao động.

Huyện Hải Hậu đã đề ra lộ trình chung của xây dựng NTM, phân kỳ và xác định từng giai đoạn để có mục tiêu phát triển. Cả hệ thống chính trị nắm rõ về phương châm, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM. Qua nghiên cứu 19 tiêu chí của Trung ương, huyện Hải Hậu thấy điểm cốt lõi, căn bản là xây dựng xã NTM. Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tính toán, lựa chọn bước đi và phương thức hoạt động để phát huy nội lực trong nhân dân. Vì vậy, Hải Hậu đưa ra quan điểm xây dựng NTM là phải lấy địa bàn thôn xóm, cụm dân cư làm đơn vị tổ chức, nhằm phát huy vai trò chủ thể của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Phương châm làm NTM là “làm từ nhà ra xóm, từ thôn xóm lên xã”, “làm từ đồng về làng, từ làng lên xã”.

Chính phủ quy định xã NTM có 19 tiêu chí, thì Hải Hậu cụ thể hóa vào thực tiễn và tình hình địa phương để xây dựng tiêu chí gia đình NTM, xóm NTM, xã NTM. Có những tiêu chí không phải xã thực hiện mà do mỗi gia đình, thôn xóm thực hiện. Hải Hậu đặt ra 8 tiêu chí của một gia đình NTM, để từng gia đình thi đua thực hiện các tiêu chí như nhà ở kiên cố, nước sạch, công trình vệ sinh... Đối với xây dựng xóm NTM, Hải Hậu đặt ra 12 tiêu chí, trên cơ sở đó để các xóm thực hiện. Đối với Hải Hậu xây dựng NTM được phân cấp ở gia đình, thôn xóm và xã, quan điểm là xã lo công việc của xã, xóm lo công việc của xóm và gia đình lo chỉnh trang khuôn viên nhà mình. Để định hướng và tạo động lực cho từng gia đình, mỗi thôn xóm thì huyện xây dựng cơ chế khen thưởng, hỗ trợ để nhân dân làm với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.
Chính sách dồn điền đổi thửa đã xây dựng được những cánh đồng lúa lớn và đường nội đồng thông thoáng, sạch đẹp, thuận lợi cho sản xuất.

Ông Phạm Văn Chiến chia sẻ: “Trước đây, trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội thì Trung ương quan điểm Nhà nước làm và nhân dân đóng góp, tức là Nhà nước đầu tư 70% và nhân dân đối ứng 30%. Chúng tôi thấy rằng, nếu thực hiện cách này thì không thể phát huy được tính tự chủ trong nhân dân và không đúng với tư tưởng nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM, không phát huy tối đa nội lực trong nhân dân và xã hội. Hải Hậu nêu lên phương châm là nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Tại buổi học Nghị quyết tại xã Hải Minh ngày 11/9, các đảng viên tham gia chật kín hội trường xã, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đứng lớp cũng có nội dung tuyên truyền việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của huyện, trong đó có xã Hải Minh. Chủ tịch UBND xã Hải Minh, huyện Hải Hậu cho biết: Xã Hải Minh bắt tay vào xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 chỉ có 5 tiêu chí, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã phát động toàn dân chung sức xây dựng NTM, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gia đình NTM, xóm NTM, xã NTM. Sau 3 năm, Hải Minh đã vượt trội so với các xã khác và đạt 18/19 tiêu chí, còn lại tiêu chí mua BHYT sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Đạt được kết quả ấy là nhờ nhân dân đồng thuận, ủng hộ cả ngày công, tiền của và hiến đất để làm đường nội đồng, các dong xóm, các công trình phúc lợi...

Dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá

Nhận thức việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trước mắt phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa để làm cơ sở thực hiện các nội dung khác.

Nếu không quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa thì không thể thực hiện xây dựng được cánh đồng lúa lớn và phân vùng rõ rệt vùng nào trồng lúa, vùng nào nuôi trồng thủy sản, vùng nào trồng cây con… Mỗi hộ gia đình có hai đến 4 mảnh ruộng nhỏ, manh mún, cách xa nhau thì năng suất không cao, tốn kém trong đầu tư và thu hoạch. Đồng thời, đất công của xã lồi, lõm, xa dân cư, muốn quy hoạch bán lấy vốn đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng thì giá trị kinh tế không cao.

Bí thư Huyện ủy, Phạm Văn Chiến cho biết: “Truyền thống của Hải Hậu trước kia là tứ tính cửu tộc, quai đê lấn biển để hình thành lên mảnh đất này. Ngày xưa, hệ thống thủy lợi vừa phục vụ tưới tiêu nhưng cũng là để thuyền vận chuyển sản xuất, ngày nay yêu cầu cơ giới hóa nên đưa máy móc vào, việc dồn điền đổi thửa để phát triển đường giao thông nội đồng là rất quan trọng, ưu tiên số một. Đảng ra chủ trương, người dân đồng thuận thực hiện, trong sáu tháng năm 2011, Hải Hậu đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, toàn huyện có 21 cánh đồng mẫu lớn, mỗi cánh đồng khoảng 10ha, dẫn đầu của tỉnh Nam Định, tạo điền đề thực hiện các chỉ tiêu khác”.

Trong phát triển kinh tế - xã hội thì huyện Hải Hậu đưa ra khẩu hiệu “mỗi gia đình có thêm một nghề”, không chú trọng đến việc giảm lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hải Hậu làm như vậy, thứ nhất là huyện thuần nông, người nông dân gắn bó với đồng ruộng và chỉ biết đến sản xuất nông nghiệp; thứ hai là huyện không có cơ sở nào thu hút, phát triển mạnh công nghiệp để chuyển đổi nghề cho số lượng lớn người dân lên tới 75% lao động. Người nông dân ngoài làm lúa thì làm thêm một nghề theo yêu cầu như: làm chiếu, đan lát, trồng cây cảnh, làm mộc, phụ xây dựng, làm cỏ, đội cát... miễn sao đó là nghề nâng cao thu nhập. Từ đó, Hải Hậu xây dựng Đề án phát triển làng nghề trong nông thôn, mỗi xã phải có một làng nghề, trong ba năm qua đã phát triển được 27 làng nghề, nhiều gia đình giàu có nhờ phát triển nghề.

Mặt khác, Hải Hậu nêu phương châm chuyển đổi sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, tức là không đặt vấn đề năng suất nữa mà quan tâm đến giá trị của sản phẩm mang lại. Ví dụ, Hải Hậu trồng ít giống lúa lai giống tạp giao của Trung Quốc, chỉ trồng giống lúa tám thơm và bắc thơm số 7, dù năng suất thấp nhưng giá trị cao hơn nhiều. Ngoài ra, Hải Hậu chuyển đổi diện tích ruộng trồng lúa, làm muối năng suất thấp, đất nhiễm mặn, trũng nước thành diện tích nuôi trồng thủy sản, 1.080 ha đã được chuyển đổi và mang lại hiệu quả cao. Nuôi tôm công nghiệp có 120 ha, mỗi ha trừ chi phí thu về khoảng gần 1 tỷ đồng/năm.

“Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, nhân dân huyện Hải Hậu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành những tiêu chí dở dang, đưa huyện nhà đạt huyện NTM đầu tiên của cả nước vào đầu năm 2015”, ông Phạm Văn Chiến khẳng định.

* Hải Hậu phát huy nội lực làm nông thôn mới
Với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, phát huy sức mạnh từng cá nhân, tập thể, đơn vị, đẩy nhanh công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Buổi Hội nghị quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 9 - Khóa XI tại xã Hải Minh, ngày 11/9, các đảng viên đều được lắng nghe về nội dung xây dựng NTM và tiến độ, quyết tâm của Hải Hậu.

Dân làm, dân hưởng lợi
Đầu thu, những cánh đồng mẫu lớn ở Hải Hậu lúa vào thì đậu bông trải dài tít tắp, những con đường bê tông thông thoáng, đẹp, chạy đến từng ngõ xóm. Cuộc sống làng quê yên bình, nề nếp, giàu tình đất tình người. Sau hơn 3 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM), Hải Hậu đã có bước tiến vượt bậc, cả về xây dựng cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân. Hiện nay, huyện Hải Hậu có 34/35 xã, thị trấn đạt NTM và kế hoạch đầu năm 2015 sẽ đạt huyện NTM đầu tiên của cả nước.

Ông Phạm Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy huyện Hải Hậu cho biết: Trước đây, trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội thì Trung ương quan điểm Nhà nước làm và nhân dân đóng góp, tức là Nhà nước đầu tư 70% và nhân dân đối ứng 30%. Chúng tôi thấy rằng, nếu thực hiện cách này thì không thể phát huy được tính tự chủ trong nhân dân và không đúng với tư tưởng nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM, không phát huy tối đa nội lực trong nhân và xã hội.

Hải Hậu nêu lên phương châm là nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo lắng đời sống của nhân dân còn khó khăn thì liệu có thực hiện đóng góp hay huy động ủng hộ đủ kinh phí để thực xây dựng NTM đúng như kế hoạch không? Nhưng đến hôm nay thì ngoài sức tưởng tượng của tôi, đúng là “Ý Đảng, lòng dân”.

Các kế hoạch, quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng... đều được công khai trước dân, do dân bàn bạc thực hiện, do dân giám sát. Vì vậy, khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả. Ngoài 1 triệu đồng/khẩu phải đóng, người dân còn ủng hộ công sức, tiền của và hiến đất để xây dựng xóm NTM, xã NTM và mục đích cao hơn là huyện Hải Hậu đạt NTM.

Nhân dân trong toàn huyện tự nguyện hiến trên 345 ha đất nông nghiệp và 25 ha đất ở để thực hiện các công trình giao thông, phúc lợi công cộng, góp gần 200 nghìn ngày công lao động phục vụ xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của Hải Hậu đạt 1.240 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và con em ủng hộ là 526 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Rị, Chủ tịch UBND xã Hải Minh (Hải Hậu) thì để xây dựng xã Hải Minh đạt NTM thì phải đầu tư khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chỉ đầu tư 8 tỷ đồng, vì vậy nếu không xã hội hóa và người dân đồng thuận, chung sức, sao mà đạt được. Tính theo tiêu chí đã đạt thì cuối năm 2014, xã Hải Minh sẽ đạt NTM. Hiện xã còn nợ tiền xây dựng các công trình xã hội trên 3 tỷ đồng, nhưng theo ông chủ tịch xã thì đó là khoản nợ đơn giản, không phải là việc khó đối với xã Hải Minh.

Tinh thần xây dựng quê hương
Ở xóm Hải Minh hai gia đình ông Nguyễn Văn Khuê ở xóm 34, ông Đinh Văn Tịnh ở xóm 31 đã ủng hộ làm con đường chính của xã trị giá gần 2 tỷ đồng. Gia đình ông Phạm Văn Thắng, 64 tuổi hiến 120m2 đất cho xóm để làm đường dong xóm và đường nội đồng.
Xây dựng NTM, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, thông thoáng, sạch đẹp.

Ông Thắng tâm sự: “Làm đường làng, ngõ xóm đẹp, sạch sẽ và thông thoáng thì mình là người được hưởng lợi, vì vậy người dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước, góp công, góp của và hiến đất xây dựng xóm NTM. Xóm khác làm được, xóm mình không làm được thì mình chịu thua họ à! Mỗi người, mỗi gia đình đồng lòng, cố gắng là làm được hết”.

Ở xã Hải Hà có bà Phạm Thị Túc, 80 tuổi, ở xóm 6 là vợ liệt sỹ ủng hộ xóm số tiền 100 triệu đồng mà bà tích góp cả cuộc đời, để xóm có nguồn kinh phí xây dựng NTM. Con cháu ủng hộ cách làm của bà, coi đó là nghĩa cử cao đẹp để xây dựng quê hương, đất nước.

Đặc biệt, gia đình cụ Vũ Thị Chính, 89 tuổi ở xóm 2, xã Hải Hà có ba thế hệ đều ủng hộ và hiến đất để xây dựng thôn xóm “xanh, sạch, đẹp”. Khi xóm làm đường dong xóm, cần đất thì cụ Chính vui vẻ hiến 50m2 đất thổ cư.

Con trai cụ Chính, anh Vũ Trọng Nghĩa cho ba xóm (xóm 1, xóm 2, xóm 3) của xã Hải Hà mượn tiền trị giá trên 2 tỷ đồng để mua vật liệu, làm đường dong xóm mà không lấy lãi và trả dần trong 3 năm. Người cháu là anh Vũ Văn Thành, ủng hộ tiền xây dựng nhà thi đấu đa năng cho xã, rộng khoảng 600m2, có sân bóng đá mi li, sân bóng truyền, bóng bàn, sân cầu lông... tổng mức kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Quảng, Bí thư Đảng ủy xã Hải Hà Cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã và các đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền người dân hiểu được xây dựng NTM trên địa bàn là mang lại lợi ích cho chính mình và con cháu sau này.

Nhân dân đồng lòng, ai có công góp công, người có của góp của, con em quê hương thành đạt làm ăn xa thì hướng về ủng hộ xây dựng quê nhà giàu đẹp. Xã Hải Hà chỉ còn một tiêu chí chưa đạt, đó là Trường THCS chưa chuẩn quốc gia vì trường lớp học không đáp ứng. Hiện nhà thầu đang khẩn trương thi công xây dựng, đầu tháng 11 này sẽ hoàn thành và xã Hải Hà sẽ về đích NTM.

“Kết quả thực hiện xây dựng NTM của tỉnh Nam Định nói chung và huyện Hải Hậu nói riêng đã chứng minh nhân dân làm thực, hiệu quả thực chứ không phải phong trào”, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định.

Tác giả: Việt Hoàng
Nguồn: haihau.com.vn

8 nhận xét:

  1. hải hậu tuyệt thật,tự hào

    Trả lờiXóa
  2. Nói chung giờ Hải Hậu quê mình đường vào gõ xóm bê tông hóa hết rồi nhưng người dân phải đóng gánh quá nhiều

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn quê mình ngày càng đổi mới cũng thấy vui hơn. NHiều nơi ở Nam Định đường làng, ngõ xóm ko được đẹp như quê mình nhưng mình thấy cs của người dân quê mình vẫn còn khó khăn lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Nói chung được cái này thì phải mất cái kia thôi:)

    Trả lờiXóa
  5. Nông thôn mới! Tự hào quá :). Quê mình dần dần thay da đổi thịt

    Trả lờiXóa
  6. Đọc xong tiêu đề mát hết cả người mặc dù trời rất lạnh

    Trả lờiXóa
  7. Bác máy bơm ví hay thật. Thảo nào lạnh cũng đúng

    Trả lờiXóa
  8. Hehe. Tự hào quá mà bạn. Vui vui vẻ vẻ lâu lâu mới đọc được bài viết hay về quê mình như thế này

    Trả lờiXóa