Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Tục ăn cỗ lấy phần ở Hải Hậu

Người vùng khác đến Hải Hậu ăn cỗ thường ngạc nhiên với tục lấy phần ở đây. Bên cạnh mâm cỗ, gia chủ luôn chuẩn bị sẵn lá dong, lá chuối (bây giờ là túi ni lông) để thực khách gói phần mang về sau khi tan tiệc. Và thường trong bữa người ta chỉ ăn qua loa, còn thì chủ yếu để lấy phần mang về.



Để tìm hiểu phong tục này, chúng ta cần ngược thời gian về những năm tháng xa xưa trước...
Huyện Hải Hậu cũng như nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước, cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng người nông dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuộc sống nông dân quanh năm vất vả, chật vật tìm kế sinh nhai, lo toan từng miếng cơm, manh áo... Để có được một bữa ăn thực sự người ta phải chờ đến cỗ, và chỉ cỗ mới có được miếng ăn ngon. 
Thế nhưng khi ăn cỗ người ta không thể vô tư ăn uống no say mà không nghĩ về đàn con ở nhà đang nheo nhóc với củ khoai, củ sắn. Và vì thế ở bữa cỗ người ta chỉ ăn rất ít, những miếng ngon để dành hết gói mang về cho đàn con ở nhà.
Nhìn mâm cỗ Hải Hậu những người vô tình sẽ đánh giá rằng người ở đây "chém to kho mặn", không biết chế biến món ăn. Những quả cam, quả táo thay vì bổ nhỏ ra thì lại để nguyên cả quả; những miếng thịt, miếng giò gắp lên có thể che cả nửa khuôn mặt, che luôn cả bầu trời. Rõ ràng người làm cỗ đã chủ ý bày ra không phải để ăn...
Lúc gói phần, những bà mẹ đông con nhỏ thường được các bà khác bớt phần của mình để chia thêm cho. Người thì dúi cho thêm quả cam, quả táo; người thì gắp thêm cho miếng thịt, miếng giò,... Những hành động nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình người...
Người mẹ xách gói phần đi về nghĩ đến đàn con đang hóng đợi ở nhà mà lòng vui phơi phới. Những miếng ngon mình không dám ăn để dành dụm mang về, các con được ăn cũng như là mình ăn vậy. Triết lý nhân văn ở đây thật giản dị mà cao cả.
Ngày nay, sự ăn đối với nhiều gia đình đã không còn là vấn đề, nhưng ăn cỗ người ta vẫn lấy phần. Nó vừa là thói quen, vừa là để nhắc nhở nhau về một quá khứ khó khăn còn chưa xa lắm. Và quan trọng hơn, người Hải Hậu muốn răn dạy cho thế hệ sau về đức tính hy sinh, chia sẻ. Trước là đối với người thân, và sau là đối với đồng loại.



Đó là một nét văn hóa đẹp của người Hải Hậu, nó không hề đơn giản.



Tác giả: Đỗ Ngọc Nam
Nguồn: haihau.com.vn

6 nhận xét:

  1. Đúng là phong tục này chỉ có ở Hải Hậu, phong tục này có từ lâu rồi không biết là từ khi nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe! Chắc từ thời xa xưa. Lâu lắm rồi từ khi mình chưa sinh ra ý nhỉ chị Tuyết Ngô?

      Xóa
  2. Ngày xưa cứ mẹ bà đi ăn cỗ là ngóng phần mang về

    Trả lờiXóa
  3. To được ăn nhiều bạn ạ! Ko ăn hết thì lấy phần

    Trả lờiXóa